top of page

NHẠN TRẮNG CÀ MAU

THỜI KHẮC

Xuất thân đa dạng của người Việt trong Nam đã tạo nên những hệ thống võ thuật Nam Bộ có nguồn gốc rất phong phú pha trộn từ các nhóm Bình Định, Thanh Hóa, Nghệ An, đồng bằng sông Hồng và cả những võ phái xuất xứ từ Trung Hoa, Chăm và Cao Miên.  Đầu thế kỷ 20, nhiều môn võ như Quyền Anh-Boxing, Nhu Thuật-Jujitsu, Nhu Đạo-Judo cũng đã du nhập vào Việt Nam.  Suốt giai đoạn Pháp thuộc, những võ sĩ khác môn phái thường xuyên tranh tài với thể thức Võ Tự Do.  Thời khắc này đã biến võ thuật Việt thành một cỗ máy sàng lọc nghiệt ngã – nơi chỉ những gì tinh túy, hữu dụng nhất có thể tồn tại.

Nguyễn Chánh Minh | Nhạn Trắng Cà Mau
Võ Tự Do - MMA Vietnam
THỬ THÁCH

Đầu thập niên 30 của thế kỷ trước, sau khi lãnh ngộ từ nhiều võ sư lừng danh, ông nội tôi là Nguyễn Chánh Minh, đã thử thách mình với nhiều trận đấu võ tự do.  Ông tham gia những cuộc tỉ thí từ chợ Cà Mau tới Sài Gòn, trong đó có những lần chạm trán cùng võ sĩ nước ngoài.  

KHỞI NGHIỆP

Bất bại trên sàn đấu, “Sáu Minh”, biệt danh của ông lúc còn trẻ, trở về quê làm nghề bảo tiêu đường kênh Cà Mau - Trà Ôn.  Thời đó hàng hoá miền Nam Bộ đều vận chuyển trên những đường sông nước và có nhiều tổ chức cướp cũng như những tay anh chị muốn chiếm đoạt độc quyền vận chuyển.  Và thế, ông đối mặt với những đe dọa từ dao găm mã tấu hàng ngày.  Lúc đó ông dùng cặp vũ khí Song Xỉ với những thế võ chuyên đối phó các loại vũ khí giang hồ.  Bộ đồ bà ba trắng tay dài khuất ngón để che dấu cặp song xỉ khiến thế giới giang hồ bấy giờ đồn rằng ông là người dao kiếm bất khả xâm phạm.

Vũ Khí Song Xỉ | Nhạn Trắng Cà Mau
Kháng Chiến Chống Pháp
KHÁNG CHIẾN

Rồi với biệt danh là "Nhạn Trắng Cà Mau", ông thành lập lực lượng kháng chiến chống Pháp lấy tên là Mặt Trận Hà Tiên.  Đội quân tinh nhuệ của ông ban đêm tập kích lính Pháp, ban ngày tan biến vào thường dân khiến kẻ thù hoang mang khắp miền Tây Nam Bộ.  Lập nên nhiều chiến công hiển hách từ chống Pháp tới đánh Nhật.  Một lần ông tổ chức đánh đại đội Nhật ở Hà Tiên, sau đó lấy kho gạo của chúng đem phân phát cho dân tới Rạch Giá.

LIÊN PHONG QUYỀN

Đến hết thời Pháp thuộc, ông lên Sài Gòn cư ngụ tại căn nhà số 53 đường Nguyễn Trãi, và truyền lại võ nghệ mà ông gọi là Liên Phong Quyền tại đây.  Ngày nay căn biệt thự cổ này vẫn còn đó ẩn sau những biển hiệu tân thời, nhưng mấy ai biết được người chủ xưa chính là huyền thoại Nhạn Trắng Cà Mau.

Người viết:  Nguyễn Chánh Minh Trí

Johnny Trí Nguyễn

Sư Tổ Nguyễn Chánh Minh "Nhạn Trắng Cà Mau"
bottom of page